Tình trạng giật mình khi ngủ ở trẻ sơ sinh nên được phát hiện sớm và có phương hướng can thiệp đúng cách nhằm ngăn chặn các hệ lụy nguy hiểm. Dưới đây là một số cách chữa trị trong những trường hợp cụ thể mà bố mẹ nên biết:
. Còi xương, hạ canxi máu
Phụ huynh nên bổ sung vitamin D và canxi theo hướng dẫn của bác sĩ và cho trẻ tắm nắng một cách hợp lý để khắc phục tình trạng này.
2. Bé bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc bị đầy hơi
Khi bú sữa mẹ, trẻ sẽ nuốt cả không khí vào bụng gây đầy hơi, bụng phát ra tiếng ọc ạch, trào ngược dạ dày khiến trẻ nôn sữa. Do đó, khi trẻ vừa bú no, mẹ không nên cho trẻ nằm ngủ ngay mà bế bé thẳng, áp sát vào người mình và vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ hơi ra ngoài trong một khoảng thời gian ngắn. Mẹ nên chia nhỏ cữ sữa ra nghĩa là uống ít sữa và uống nhiều lần để hạn chế trào ngược.
3. Bé bị viêm họng, ngạt mũi, viêm tai giữa, giun kim
Đối với các trường hợp trẻ mắc các bệnh lý như viêm họng, ngạt mũi, viêm tai giữa, giun kim,… trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, bứt rứt trong cơ thể khiến giấc ngủ không ngon, trẻ khóc nhiều hơn. Bố mẹ nên chú ý quan sát cẩn thận và đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra ngay khi có các triệu chứng bệnh hay nghi ngờ trẻ mắc bệnh.
4. Bất thường về chức năng não
Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình do các bất thường về chức năng não. Lúc này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và có phương hướng điều trị phù hợp.