Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ sẽ dành nhiều thời gian cho giấc ngủ để cơ thể phát triển và thích nghi với môi trường mới. Lúc này, mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ ngủ ngon, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Trẻ sơ sinh hay giật mình khi ngủ. Điều này có thể xảy ra do các nguyên nhân sinh lý, môi trường hoặc do bệnh lý (1). Cụ thể như sau:
1. Nguyên nhân sinh lý
Một số nguyên nhân sinh lý, môi trường gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ thường gặp, bao gồm:
Phản xạ tự nhiên: Khi trẻ mới chào đời, trẻ vừa phải chuyển từ môi trường bên trong tử cung mẹ sang môi trường bên ngoài, từ đó, trẻ cần hình thành và xây dựng thêm một số phản xạ tự nhiên nhằm bảo vệ bản thân trước nguy hiểm. Trẻ sơ sinh giật mình khi ngủ là hiện tượng sinh lý bình thường. Khi nghiên cứu về sinh lý giấc ngủ của trẻ sơ sinh, người ta chia thành giấc ngủ hoạt động hay ngủ nông và giấc ngủ im lặng hay ngủ sâu. Trong giấc ngủ nông bé sơ sinh hay vặn mình, giật mình, rên “è è”, nhịp thở thường không đều. Chu kỳ ngủ ở trẻ sơ sinh rất ngắn (50 phút) khác với người lớn (90-100 phút) nên trẻ dễ bị thức giấc thường xuyên hơn. Chính vì trẻ dễ thức tỉnh nên bảo vệ trẻ không bị đột tử (SIDS: Sudden infant death syndrome). Vì trong giai đoạn ngủ nông, nhịp tim và nhịp thở không đều dễ đưa trẻ vào nguy cơ tử vong cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ đột tử khi ngủ là những trẻ khó thức tỉnh trong giai đoạn này. Cho nên các ba mẹ đừng than phiền vì sao trẻ hay giật mình thức giấc nhé.
Tiếng động, ánh sáng mạnh: Giật mình còn là phản ứng tự nhiên bảo vệ trẻ khi có sự thay đổi đột ngột về thăng bằng của cơ thể hoặc những kích thích như tiếng động lớn, ánh sáng mạnh… Đáp ứng này còn gọi là phản xạ moro.
. Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh những nguyên nhân sinh lý, đến từ môi trường bên ngoài, khi trẻ có bất kỳ bệnh lý nào làm trẻ dễ bị kích thích hơn bình thường cũng khiến trẻ giật mình và quấy khóc nhiều hơn. Một số bệnh lý như:
Trào ngược dạ dày – thực quản;
Còi xương, hạ canxi máu;
Viêm tai giữa;
Viêm họng;
Giun sán;
Thiếu máu;
Bệnh tim mạch,…