Vặn mình khi ngủ là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh thường diễn ra trong giấc ngủ nông hoặc sau khi trẻ thức dậy. Biểu hiện này của trẻ diễn ra ở đa số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi, giảm dần và có thể kết thúc hẳn khi trẻ được 3-4 tháng tuổi. (1)
Theo BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh – Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khi nghiên cứu về sinh lý giấc ngủ của trẻ sơ sinh, người ta chia thành giấc ngủ hoạt động và giấc ngủ im lặng.
Trong giấc ngủ hoạt động hay ngủ nông trẻ sơ sinh hay giật mình, vặn mình, rên “è è”, mắt chuyển động bên dưới mi mắt nhắm. Nhịp thở thường không đều, ngưng thở 5-10 giây, sau đó bắt đầu đột ngột thở nhanh 50-60 lần/phút trong 10-15 giây rồi thở đều đặn lại cho đến khi chu kỳ lặp lại.
Ngược lại đến giai đoạn giấc ngủ im lặng hay ngủ sâu, trẻ nằm yên và không cử động, ngủ ngày càng sâu và khó đánh thức. Chu kỳ ngủ ở trẻ sơ sinh rất ngắn (50 phút) khác với người lớn (90-100 phút) nên trẻ dễ bị thức giấc thường xuyên hơn.