Theo BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh – Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trẻ sơ sinh rất dễ bị giật mình vì đây là phản ứng tự nhiên bảo vệ trẻ khi có sự thay đổi đột ngột về thăng bằng của cơ thể hoặc những kích thích như tiếng động lớn, ánh sáng mạnh… Đáp ứng này còn gọi là phản xạ moro. Phản xạ này sẽ dần biến mất sau 2 tháng và hết sau 6 tháng tuổi khi trẻ có khả năng tự giữ được đầu và não bộ dần trưởng thành giúp trẻ kiểm soát các cử động tốt hơn.
Ngược lại, những trẻ dưới 6 tháng tuổi mà không có phản xạ này là bất thường. Đây là hiện tượng bệnh lý gặp ở những trẻ sinh non, sinh ngạt, trẻ bị tổn thương thần kinh,…
Đa số các trường hợp sau giật mình, trẻ sẽ tự đi vào giấc ngủ trở lại. Tuy nhiên, một số trẻ bị giật mình quá nhiều không tự dỗ vào giấc ngủ lại được khiến trẻ ngủ không đủ giấc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và những người xung quanh.
Bố mẹ nên lưu ý đưa trẻ đi thăm khám sớm bởi tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm như:
Ảnh hưởng phát triển thể chất: Giấc ngủ sâu giúp cho trẻ hồi phục sức khỏe và phát triển toàn diện hiệu quả hơn. Phụ huynh lưu ý, trẻ sơ sinh ngủ nhiều khác hẳn với trẻ sơ sinh ngủ sâu và không mang lại các lợi ích như vậy. Bởi khi trẻ ngủ say, cơ thể sẽ kích thích tuyến yên sản xuất ra hormone tăng trưởng cao gấp 4-5 lần so với bình thường, từ đó, giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng cân nhanh chóng. Ngược lại, khi trẻ sơ sinh ngủ hay bị giật mình, chất lượng giấc ngủ giảm sút, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.
Giảm khả năng nhận thức: Trong giai đoạn sơ sinh, não bộ của trẻ rất dễ bị tổn thương bởi các kích thích. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong trưởng thành não bộ, học hỏi và trí nhớ. Mất ngủ trong những năm đầu đời, trẻ sẽ gặp khó khăn về chú ý, kiểm soát xúc cảm và hành vi kém, trì trệ nhận thức, rối loạn chuyển hóa đưa đến béo phì sau này.