Đối với viêm não Nhật Bản, chủ động phòng ngừa bệnh là giải pháp tốt nhất. Việt Nam là một nước nhiệt đới, vì vậy, nhiễm trùng cũng như những bệnh truyền nhiễm do côn trùng là rất phổ biến. Vì vậy, trẻ em và người lớn cần phải có kế hoạch phòng bệnh chủ động.
1. Vệ sinh môi trường
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng.
- Cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
- Tiêm vắc xin đầy đủ và tuân thủ đúng lịch tiêm viêm não Nhật Bản. Việc tiêm chủng vắc xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 9 tháng tuổi trở lên).
- Khi đã mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng. Chủ động cho trẻ tiêm vắc xin và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
2. Tiêm phòng vắc xin
Bệnh viêm não Nhật Bản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta với tỷ lệ 61,3% trong tổng số các ca viêm não vào năm 1995. Từ năm 1997, nhờ kết quả dự phòng của chương trình triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, số trường hợp viêm não do virus viêm não Nhật Bản đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus.
Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Do đó, biện pháp chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Lưu ý, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không đủ hiệu lực bảo vệ, tiêm 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ trên 80%, tiêm 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ 90% – 95% trong khoảng 3 năm.