Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị viêm não Nhật Bản chủ yếu tập trung điều trị các triệu chứng như chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm,…
1. Chống phù não
Điều trị chống phù não được thực hiện bằng cách truyền các dịch ưu trương để tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức, tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch. Trong trường hợp phù não nặng, co giật, bác sĩ có thể dùng thuốc kháng viêm Corticoid (3) để bình thường hóa sự thẩm thấu của mạch máu, chống tích lũy nước và muối ở tổ chức não.
2. An thần và cắt cơn giật
Để an thần và cắt cơn co giật, bác sĩ có thể sử dụng Seduxen qua sonde hoặc tiêm bắp thịt, tĩnh mạch cho người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể dùng dung dịch liệt hạch truyền tĩnh mạch nhỏ giọt Aminazin + Thiantan + Spartein. Trong trường hợp người bệnh lên cơn co giật nhiều thì có thể dùng Gardenal.
3. Hạ nhiệt
Phương pháp hạ nhiệt cho người bệnh là cởi quần áo và chườm đá vào bẹn, nách, cổ, quạt. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde, truyền tĩnh mạch hoặc thụt giữ qua trực tràng.
4. Hồi sức hô hấp và tim mạch
Để giúp người bệnh hồi sức hô hấp và tim mạch, bác sĩ cho thở oxy, lau hút đờm dãi, và sẵn sàng hô hấp viện trợ khi gặp tình trạng rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở. Ngoài ra, bác sĩ còn bổ sung nước điện giải kịp thời theo hematocrit (dung tích hồng cầu) và điện giải đồ; dùng thuốc trợ tim mạch và thuốc vận mạch khi cần thiết.
5. Ngăn ngừa bội nhiễm, dinh dưỡng, chống loét
Tùy vào trọng lượng cơ thể người bệnh mà bác sĩ sử dụng lượng kháng sinh có khả năng ngăn ngừa bội nhiễm như: Ampicillin hoặc Cephalosporine thế hệ 3. Ngoài việc sử dụng thuốc, người thân nên thường xuyên lau rửa da, vệ sinh răng miệng, thay đổi tư thế nằm của người bệnh và có thể dùng thêm đệm cao su bơm hơi để vào các điểm tỳ đè của cơ thể để hạn chế tình trạng viêm loét da. Để đảm bảo sức khỏe của người bệnh, chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo đầy đủ đạm và vitamin.