Nếu con bạn có những triệu chứng của thủy đậu cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được bác sĩ thăm khám, bác sĩ sẽ là người đưa ra chỉ định trẻ của bạn có thể điều trị tại nhà hay cần chăm sóc y tế tại bệnh viện. Với bệnh thủy đậu hiện nay, điều trị chủ yếu dựa vào điều trị triệu chứng, giảm sốt, giảm ngứa, ngăn không cho trẻ gãi mụn nước làm vỡ và lây lan ra thêm.
Điều trị tại nhà: Nếu có chỉ định điều trị tại nhà, phụ huynh cần tuân thủ theo chỉ dẫn và phác đồ thuốc của bác sĩ, tái khám đúng lịch. Bố mẹ có thể dùng dung dịch xanh methylen hoặc thuốc tím 1/4000 để chấm vào nốt thủy đậu trong trường hợp nốt phỏng nước bị vỡ Trong quá trình điều trị tại nhà cần theo dõi trẻ kỹ, nếu trẻ có biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra kịp thời.
Thuốc điều trị: Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể điều trị thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt, giảm đau và các vitamin. Tùy theo lứa tuổi và biểu hiện bệnh, bệnh nhân sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus cho trẻ . Bên cạnh đó tùy trường hợp bội nhiễm sẽ được dùng các loại kháng sinh thích hợp.
Thông thường khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng một số thuốc hạ sốt (thông thường là) và trẻ cũng được kê toa thuốc chống ngứa để hạn chế trẻ gãi gây bội nhiễm da. Bên cạnh đó, trẻ em bị thủy đậu cần lưu ý không sử dụng Aspirin để hạ sốt vì việc sử dụng thuốc này cho trẻ có nguy cơ gây ra hội chứng Reye với biểu hiện tổn thương gan và não.
Bên cạnh các cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em thì không ít các phụ huynh thắc mắc nếu trẻ bị thủy đậu bẩm sinh việc điều trị sẽ như thế nào. Theo bác sĩ Kim Thoa chia sẻ “Một khi mắc thủy đậu bẩm sinh thì khả năng điều trị hầu như rất là khó, bởi vì bị thủy đậu bẩm sinh có nghĩa là em bé đã bị những tổn thương từ khi còn nằm trong bụng mẹ, những tổn thương bao gồm: trong não, mắt (bị đục thủy tinh thể), mù, chân tay ngắn hoặc những vết sẹo trên da,… trở thành di chứng. Trẻ mắc thủy đậu bẩm sinh khi ra đời khả năng mà có thể điều trị hầu như không có mà chỉ có thể hỗ trợ những di chứng đã có. Thậm chí, trong trường hợp trẻ bị thủy đậu sau sinh, hoặc người lớn, em bé bị lây thủy đậu khi tiếp xúc với người bị thủy đậu trong cộng đồng, bệnh nhân nên được điều trị càng sớm càng tốt; hiệu quả nhất là trong vòng 24h sau khi nốt đậu phát ra và tối đa 72 giờ (3 ngày). Do đó, đối với những trẻ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh thì cách tốt nhất là phải phòng ngừa cho trẻ không bị mắc thủy đậu bẩm sinh, chứ không nghĩ làm thế nào để điều trị cho trẻ khi mắc thủy đậu bẩm sinh, vì trẻ đã có di chứng.”