Dòng trạng thái hẹn xuất hiện tại "Đêm diễn trong mơ" vào tối 27/6 trên trang "Kaito Kid" khiến nhiều thí sinh sắp thi tốt nghiệp THPT cho là nhóm này sẽ tiếp tục đoán đề một ngày trước buổi thi văn.
Trang "Kaito Kid" được cho là sẽ tiếp tục đoán đề ngữ văn 2023 (Ảnh chụp màn hình).
Thông tin này lập tức gây một cơn sốt trên mạng xã hội Facebook khi nhận về hơn 77.000 lượt bày tỏ trạng thái cảm xúc, 17.000 bình luận và 4,3 lượt chia sẻ chỉ sau 1 ngày đăng tải.
Cụ thể, tài khoản "Kaito Kid" đăng thông báo được cho là sẽ tiếp tục "đoán đề" vào tối 27/6, một ngày trước buổi thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2023.
"Mình sẽ dò bài mọi người đó nên mọi người nhớ ôn hết trước khi tham gia "Đêm diễn trong mơ" - trang này nhắn gửi.
Dưới bài đăng, không ít thí sinh bày tỏ hào hứng và thậm chí cùng đoán đề với "Kaito Kid".
"Kaito Kid" là nhân vật siêu trộm trong bộ truyện tranh nổi tiếng "Thám tử lừng danh Conan". Đây là tài khoản chuyên dự đoán tác phẩm sẽ ra trong câu hỏi nghị luận văn học của đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT.
Trong 3 năm liên tục từ 2020 đến 2022, "Kaito Kid" đã "đoán trúng" tác phẩm sẽ ra trong đề thi gồm "Chiếc thuyền ngoài xa" - năm 2022, "Sóng" - năm 2021 và "Đất nước" - năm 2020.
Trang Facebook có tên "Kaito Kid" đoán trúng tác phẩm ở đề thi ngữ văn 3 năm liên tiếp (Ảnh chụp màn hình).
Năm 2022, người quản trị của trang này là nhóm sinh viên đại học tại TPHCM vướng lùm xùm lộ đề thi. Đến mức, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an phải vào cuộc điều tra.
Hiện tài khoản "Kaito Kid" có lượng theo dõi khủng, lên tới 1,1 triệu người.
Tài khoản "Kaito Kid" đính chính thông tin về lộ đề thi (Ảnh chụp màn hình).
Thí sinh đừng dại mà học tủ
ThS Phan Thế Hoài - giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa (TPHCM) nhận định, những dự báo về đề thi môn ngữ văn luôn là thông tin thu hút sự chú ý của học sinh.
Tuy vậy, ông cho rằng học sinh chỉ nên xem thông tin này để giải trí, giảm áp lực trong thời điểm gần thi tốt nghiệp THPT.
Theo ông Hoài, việc đoán trúng đề là do xác suất, vì các tác phẩm trọng tâm trong chương trình ngữ văn lớp 12 thường cũng chỉ dưới 10 bài.
"Học sinh nên ôn tập toàn diện và dành thời gian nhiều hơn vào những nội dung trọng tâm theo hướng dẫn của giáo viên chứ không nên học tủ theo đoán đề vì không có cơ sở" - ThS Phan Thế Hoài nhắn nhủ.
Thầy giáo này cảnh báo, việc ôn trúng tủ tác phẩm cũng chưa hẳn giúp học sinh làm bài tốt vì cùng một tác phẩm có thể ra theo nhiều hướng hỏi.
Ông dẫn chứng, năm 2022, không ít học sinh "học tủ" nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa", nhưng đề ra về những phát hiện của nhân vật Phùng nên nhiều thí sinh ôn trúng tác phẩm vẫn không làm được bài.
Thí sinh ôn thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Đồng quan điểm, ThS Đỗ Đức Anh - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) khuyên học sinh có kiến thức, có sự hiểu biết thì cần xác định điều gì nên tin và điều gì không đáng tin.
Ông nhấn mạnh, điều thí sinh nên quan tâm bây giờ chính là kỹ năng của bản thân, kiến thức đã tích lũy và sự vững vàng cùng tinh thần quyết tâm.
"Các em hãy tin vào năng lực của chính bản thân mình, đừng tin vào bất cứ ai. Việc phó mặc tương lai, cuộc đời, kỳ thi quan trọng cho một dự đoán hết sức viển vông sẽ rất tai hại. Không thể giao cuộc đời của chính mình cho người khác vì tất cả mọi người đều như nhau, không ai có thể biết trước đề, ngoại trừ bộ phận ra đề thi đang được cách ly, kiểm soát đặc biệt", ông Đức Anh nói.
Trong giai đoạn cuối ôn tập, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân lưu ý thí sinh cần điểm lại kiến thức còn thiếu, kỹ năng chưa vững để luyện tập thêm. Cách học tốt nhất là sơ đồ hóa các nội dung để dễ ghi nhớ, không nên học thuộc lòng như vẹt.
Đồng thời, thầy giáo cũng nhấn mạnh, sĩ tử cần giữ sức khỏe, tinh thần và tâm thế thoải mái, không quá áp lực.
"Nếu được, tôi khuyên các em nên tránh xa mạng xã hội trong giai đoạn này bởi nếu các bạn không lọc được thông tin xấu độc, tin giả, câu view sẽ gây nhiễu trong quá trình ôn tập", ThS Đỗ Đức Anh chia sẻ.