Cho đến nay, nguyên nhân của rối loạn cương đã được khoa học làm sáng tỏ và rất khác so với quan niệm của thế kỷ trước. Lúc ấy, rối loạn cương được xem là bệnh thuần tâm lý (90% nguyên nhân là do tâm lý) và tuổi tác nhưng ngày nay, tiến bộ khoa học đã chỉ rõ các nguyên nhân gây chứng bất lực của người đàn ông như sau:
- Tuổi cao
- Rối loạn tâm lý: stress, lo lắng, trầm cảm...do áp lực công việc, cuộc sống xã hội...Nguyên nhân tâm lý có thể phối hợp sau nguyên nhân thực thể gây rối loạn cương.
- Rối loạn thần kinh: bệnh não thực thể hoặc do chấn thương, đặc biệt chấn thương vùng cột sống thắt lưng, tủy sống, tổn thương thần kinh bẹn,...
- Rối loạn nội tiết: Suy tuyến sinh dục, cường prolactin máu, cường hay suy tuyến giáp, hội chứng Cusshing, bệnh Addison...
- Rối loạn mạch máu: xơ vữa mạch máu, bệnh tim thiếu máu, bệnh mạch máu ngoại vi, suy tĩnh mạch, bệnh lý thể hang của dương vật, chấn thương gây xơ hóa mạch máu vùng bẹn... Nguyên nhân chính gây rối loạn cương ở đàn ông tuổi từ 50 trở lên là xơ vữa động mạch.
- Do thuốc: Thuốc hạ huyết áp, chống trầm cảm, estrogen và các thuốc kháng androgen (làm giảm ham muốn), digoxin (điều trị suy tim), thuốc an thần... Ước tính khoảng 25% rối loạn cương do thuốc gây ra.
- Thói quen có hại: Ma túy, nghiện rượu, thuốc lá...
- Bệnh khác: đái đường, suy thận, tăng lipid máu, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hiện nay, trên thị trường thuốc bán lẻ, trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều quảng cáo điều trị rối loạn cương với rất nhiều hứa hẹn kiểu như “đánh thức bản lĩnh đàn ông”, “ông uống bà khen”... nhưng hiệu quả có được và những nguy cơ tiềm tàng đằng sau những thuốc quảng cáo đó khó để đánh giá. Một khi hiểu cặn kẽ nguyên nhân của căn bệnh này, trước biểu hiện có rối loạn cương, nam giới cần tìm đến cơ sở y tế được cấp phép hoạt động để thăm khám toàn diện nhằm xác định có nguyên nhân thực thể nào hay không trước khi điều trị. Đây cũng là một bệnh chuyên khoa sâu nên việc điều trị cần được đề nghị, theo dõi và tư vấn bởi các thầy thuốc có chuyên môn, tuyệt đối không tự điều trị, nhất là việc sử dụng các đơn thuốc của bác sĩ đã kê cho một người khác dù có triệu chứng tương tự. Đặc biệt, việc dùng một số thuốc liên quan nội tiết lại càng như con dao 2 lưỡi, lợi hoặc hại chỉ trong một liều nhỏ. Có vậy mới hiểu vì sao đã từng có câu chuyện lan truyền cười chảy nước mắt về một quý ông dùng double liều bác sĩ kê đơn những mong tăng gấp đôi “sức mạnh” nhưng rốt cuộc phải vào cấp cứu vì không kiểm soát được “thằng nhỏ”.