Chẩn đoán bệnh viêm tai giữa
Để chẩn đoán bệnh viêm tai giữa ở trẻ, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện nội soi hoặc sử dụng các dụng cụ y tế chuyên dụng để soi tai nhằm phát hiện những tổn thương bên trong tai. Thông qua đó, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán ban đầu về tai của bé.
Nếu màng nhĩ khỏe mạnh, tai sẽ có màu trắng sáng hoặc xám hồng, trong mờ. Ngược lại, khi bị nhiễm trùng, màng nhĩ sẽ bị sưng đỏ, viêm, sung huyết, căng phồng và chứa dịch nhầy.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám các vùng liên quan như mũi xoang, cổ họng, vùng vòm hay nhịp thở. Qua đó, các dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp có thể được phát hiện và điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ thường được chia ra làm 3 giai đoạn: sung huyết, ứ mủ và vỡ mủ. Tùy từng giai đoạn mà cách điều trị viêm tai giữa ở trẻ em sẽ được thực hiện khác nhau. Cụ thể:
- Ở giai đoạn sung huyết, phương pháp điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân sẽ được áp dụng. Bởi vi khuẩn gây nên viêm tai giữa ở trẻ thường là liên cầu, phế cầu, Hemophilus Influenza,... Do vậy, dùng kháng sinh cùng một số loại thuốc chống viêm, hạ sốt, chống phù nề, giảm đau,..., kết hợp với điều trị mũi họng sẽ giảm tình trạng viêm nhiễm tai giữa ở trẻ.
- Ở giai đoạn ứ mủ, bác sĩ sẽ cân nhắc trích rách màng nhĩ dẫn lưu mủ, đồng thời sử dụng các loại thuốc điều trị toàn thân khác.
- Nếu tình trạng viêm tai giữa đã trải qua 2 giai đoạn này, dịch mủ bít tắc trong tai sẽ tự động kháng vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ và thoát ra ngoài. Lúc này, màng nhĩ của bé sẽ bị thủng. Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ thường sử dụng phương pháp làm thuốc tai.
Đặc biệt, theo BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn - Chuyên khoa Tai mũi họng nhấn mạnh: Đa số các bé bị viêm tai giữa sẽ tự khỏi trong 3 - 4 ngày khi có thuốc kháng sinh hoặc không.
Tuy nhiên, khi gặp tình trạng viêm tai giữa ở trẻ, ba mẹ không nên tự ý mua thuốc ngoài về điều trị cho con. Điều này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như điếc hoàn toàn. Bởi tác dụng của một số thành phần trong thuốc nhỏ tai có thể gây ngộ độc ốc tai.
Do vậy, ba mẹ nên đưa bé tới các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác tình trạng viêm nhiễm, nguyên nhân gây ra. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp.