Mùa hè nổi mẩn đỏ, ngứa da, xử trí thế nào?
6/22/2023 12:47:42 PM
manhhoang ...

 

Mùa hè, nhiều người xuất hiện tình trạng ngứa da nổi mẩn đỏ theo nốt hoặc theo mảng kèm ngứa. Nguyên nhân ngứa da nổi mẩn đỏ mùa hè do đâu, xử trí thế nào?

Nắng nóng dễ gây ngứa da nổi mẩn đỏ

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa da nổi mẩn đỏ mùa hè. Dễ gặp nhất là tình trạng tăng tiết mồ hôi. Mồ hôi tiết ra kết hợp với bụi bẩn trên da gây nên tình trạng bít tắc lỗ chân lông, từ đó mồ hôi không tiết ra được và xuất hiện tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.

Mồ hôi tăng tiết nhiều dưới trời nắng nóng còn làm thay đổi môi trường trên da và dẫn đến tình trạng dễ kích ứng tại chỗ trên những người có cơ địa dị ứng và có tình trạng ngứa, gãi nhiều.

Nắng nóng nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, các tia cực tím có thể đi xuyên qua bề mặt da, làm tổn thương đến các tế bào biểu bì bên trong. Đồng thời, tia tử ngoại còn làm các protein trong cơ thể bị biến đổi tính chất, làm hệ miễn dịch nhận định đây là chất lạ và có thể gây ra phản ứng dị ứng nổi mẩn đỏ.

Mùa hè nổi mẩn đỏ, ngứa da cần xử trí như thế nào? - Ảnh 1.

Mồ hôi tăng tiết nhiều dưới trời nắng nóng dễ gây kích ứng tại chỗ nhất là người có cơ địa dị ứng.

‎Ngoài ra, yếu tố như cơ địa dễ bị dị ứng, không uống đủ nước, chế độ ăn thiếu vitamin, môi trường không sạch sẽ cũng làm cho da dễ bị kích ứng và có tình trạng nổi mẩn ngứa.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ra bệnh mà biểu hiện ngứa da, mẩn đỏ có thể xuất hiện khu trú 1 vị trí hoặc lan rộng khắp cơ thể. Lúc đó, tình trạng ngứa da sẽ làm người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Các biểu hiện ngứa da, nổi mẩn đỏ dễ dàng nhận diện là vùng da xuất hiện các nốt mẩn với dạng hình, kích thước và màu sắc khác nhau. Chúng xuất hiện phổ biến ở vùng hông, lưng bụng và bắp đùi, 1 số trường hợp có thể xuất hiện ở cả cổ và mặt, dễ dàng nhận diện những nốt mẩn này qua việc quan sát bằng mắt thường.

Kèm theo tình trạng nổi mẩn đỏ sẽ là triệu chứng ngứa ngáy râm ran làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu, gây ra nhiều phiền phức trong cuộc sống. Nếu như người bệnh dùng tay cào gãi sẽ làm da bị thương tổn, hình thành nên những vết thương hở và nguy cơ nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Cách xử trí đúng ngứa da nổi mẩn đỏ

Khi ngứa da nổi mẩn đỏ sẽ khiến chúng ta phản ứng là gãi, cào và việc đó làm cho tình trạng càng trở nên nặng nề. Điều này xảy ra nặng hơn ở trẻ nhỏ chưa kiểm soát được hành vi.

Để giảm thiểu tổn thương cho da cần phải hiểu được nguyên nhân gây tình trạng ngứa da nổi mẩn đỏ. Ngoài ra, có thể chúng ta sẽ thực hiện các bước sau:

- Mùa hè cần hạn chế tăng tiết mồ hôi, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng như không ra ngoài trời khi nhiệt độ tăng cao.

Mùa hè nổi mẩn đỏ, ngứa da cần xử trí như thế nào? - Ảnh 2.

Ngứa ngáy, người bệnh dùng tay cào gãi sẽ làm da bị thương tổn, nguy cơ nhiễm trùng rất nguy hiểm

- Cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tránh khói bụi, hóa chất độc hại.

- Cần mặc quần áo thoáng mát.

- Giảm tăng tiết mồ hôi bằng việc sử dụng quạt, thiết bị làm mát không khí.

- Nên dùng sữa tắm trung tính, kháng khuẩn. Nếu ngứa có thể chườm mát để giảm ngứa. Nếu tổn thương da lan tỏa toàn thân, nên tắm nước mát để giảm nhanh triệu chứng.

- Trong trường hợp ngứa nhiều, có thể lấy lá chè xanh tắm để giảm ngứa. Bên cạnh đó, chè xanh có chất chống oxy hóa sẽ giảm mụn nhọt, đồng thời giúp làn da trở nên mịn màng, mềm mại. Thường xuyên tắm nước chè xanh có thể làm mềm lớp chai ở tay và chân, làm cho làn da trắng đẹp.

Trường hợp ngứa nhiều và mẩn đỏ lan rộng, dày đặc cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán bệnh và can thiệp các phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì có thể làm cho tổn thương bị nặng lên hoặc có thể chuyển sang thể lâm sàng khác như chàm hóa, viêm da tiếp xúc,… khiến cho việc điều trị sau này trở nên khó khăn.

Lời khuyên thầy thuốc

Mùa hè đề phòng ngứa da, nổi mẩn đỏ cần uống đủ nước nhất là khi làm việc mồ hôi ra nhiều dễ dẫn đến thiếu nước, mất nước, da đảm bảo đủ độ ẩm dẫn đến ngứa ngáy khó chịu. Nên tăng cường các loại thực phẩm thanh nhiệt như rau, hoa quả, nước ép trái cây … Hạn chế thực phẩm cay, nóng, kích thích.

Mùa hè nắng nóng dễ viêm da, dị ứng, say nắng, say nóng thậm chí đột quỵ vì vậy cần có thời gian làm việc phù hợp. Hạn chế ra nắng vào khung giờ cao điểm từ 10 giờ đến 14 giờ, sử dụng các vật dụng tránh nắng như ô, mũ, quần áo chống nắng.

Tắm rửa, thường xuyên làm sạch và làm mát cơ thể, không nên cởi trần mà mặc quần áo rộng, thoáng mát, chất liệu cotton hút ẩm.

Trạm Y tế Phường Bình Chiểu

 

Nguồn tin : Báo SKĐS